Hits: 3
Thủ tướng vừa đồng ý đề nghị của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5% cho đến khi giải ngân hết, thay vì phải kết thúc trước ngày 1/6/2016.
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 3/2016 vừa mới được ban hành. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 với lãi suất ưu đãi 5% cho đến khi giải ngân hết thay vì kết thúc vào ngày 1/6/2016 như Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định.
Với quyết định trên của Chính phủ, những người mua nhà đã được ngân hàng cam kết cho vay trước ngày 31/3/2016 đều được giải ngân và hưởng lãi suất ưu đãi 5% trong suốt khoảng thời gian vay thay vì phải trả lãi suất thương mại sau ngày 1/6/2016.
Trước khi có quyết định này, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho các đối tượng khách hàng, hộ gia đình vay tiền thuê, mua nhà hoặc cải tạo, với lãi suất ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng nếu việc giải ngân gói này đến ngày 1/6 chưa thực hiện xong.
Đồng thời, ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn hỏa tốc gửi 19 ngân hàng thương mại tham gia cho vay mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng. Theo đó, từ ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu dừng ký hợp đồng mới với toàn bộ các khách hàng của chương trình do gói chính sách này đã tiêu thụ hết “quota”. Cụ thể, theo ước tính của nhà điều hành, đến ngày 10/3, các nhà băng đã cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng đối với 46.246 khách hàng. Như vậy, với quyết định này, sẽ không có thêm khách hàng được hưởng gói 30.000 tỷ từ ngày 1/4.
Cũng tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ.
Bên cạnh đó tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng gắn với bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Song song với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Nguồn: VnExpress